Năm 2007, ông Trần Minh Mẫn ở
khu vực 2, phường Ba Láng (quận Cái Răng, TP Cần Thơ) thăm người bạn Việt kiều
ở tỉnh Tiền Giang. Tại đó, ông được người bạn giới thiệu từng mua hai cây mít
giống Myanmar đem về trồng nhưng không hợp phong thổ nên còi cọc, có một cây
sống ra một cành duy nhất cho 3 trái. Người bạn biếu ông một trái làm quà.
Đem trái mít về Cần Thơ, sau
5 ngày chín, ông Mẫn kể: “Khi xẻ trái ra có mùi thơm nhẹ, đặc biệt không có mủ,
ruột đặc, chỉ có những hạt lép nhỏ ở đầu cùi, khi ăn múi mít mềm ráo; đặc biệt
xơ cũng ngọt”. Mời con cháu, bà con quanh xóm cùng ăn mọi người đều tấm tắc
khen ngon. Ông Mẫn thấy cần nhân ra giống mít quý.
Do biết cây mít mẹ sắp chết
và được ông bạn đồng ý cho nhân giống, ông liền theo xe đò lên Tiền Giang ghép
mắt nhân được 100 cây. Sau ba tháng thì cây mẹ chết. Đem 100 cây mít về Cần
Thơ, ông trồng xen với vườn sầu riêng, rồi các cây sầu riêng già cỗi được đốn
bỏ dần. Cuối năm 2010, những cây mít bắt đầu cho trái. Năm đó, ông thu khoảng 2
tấn mít, bán giá 30.000 đ/ký, mà không đủ bán.
Câu chuyện thân mật, ông Mẫn
kể lần đem mít đi dự hội thi trái cây ngon - an toàn Nam Bộ lần thứ 2 ở
TP.HCM. Có hơn chục giống mít dự thi, trong đó trái mít của ông nặng chừng 20
ký, da xù xì, còn mít của các nơi khác da nâu bóng, gai nở đều rất bắt mắt.
Vợ chồng một chủ trang trại ở
tỉnh Quảng Ngãi nhìn trái mít của ông, tỏ ý cười rồi chê làm nhiều khác xì xào
theo. “Tôi cũng thấy mắc cỡ quá, bèn bỏ trái mít ở điểm thi, ra nơi khác đứng”,
ông nói.
Các loại mít các nơi cắt
trước, cắt trái nào cũng hột và mủ chảy tùm lum. Đến lượt trái mít của ông ông
Mẫn, TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, Chủ tịch
Hội đồng giám khảo gọi ông lên để cắt. Ông run run, cầm dao, thầm mong trái mít
cắt ra được như những trái mít ở nhà.
Ông cười hể hả: “Trái mít cắt
làm hai, rồi chẻ ra, lạng cùi lạng vỏ, cắt từng cục như dưa hấu, mời mọi người
cùng ăn, ai ăn cũng đều khen giống mít quá lạ và ngon, không có chút mủ nào”.
Mít của ông Mẫn đoạt giải trái cây lạ, ngon của hội thi.
Ông Út Mẫn khoe: Sau khi đoạt
giải, ông được BTC mời dùng cơm cùng các đại biểu. Nhiều người hỏi về
nguồn gốc, xuất xứ rồi khuyên ông nên đặt tên riêng cho giống mít lạ. Sau vài
phút suy nghĩ, ông quyết định lấy tên địa phương mình đang ở để đặt tên là “Mít
không hạt Ba Láng”.
Hiện nay, 100 cây mít đợt đầu
đã được được 6 năm, um tùm trên 5 công đất. Ông cho biết: Từ 2 năm trở lên, mít
cho trái lớn nhất 20 ký nhỏ nhất 7 ký. Trung bình mỗi cây cho trái khoảng 100
ký mỗi năm. Trường Đại học Cần Thơ đang hợp đồng với ông cho đến năm 2017 để
theo dõi giống mít này.
Ông đi học kỹ thuật ghép mắt
để bán cây giống. Trong 100 cây mít không hạt trồng đợt đầu, chỉ có 20 cây trái
to và sai trái là ghép được giống. Tổng cộng, ông đã ghép hơn 40.000 cây giống
và bán ra giá 30.000 đ/cây. Nhiều nơi mua mít giống của ông như Long Khánh,
Đồng Nai đã cho trái.
Tùng Huyên
Báo nông nghiệp