Bà Phạm Thị Hằng ủ ổ cơm rượu kỹ lưỡng, khéo léo, chuẩn bị cho chuyến đi bán ở tỉnh Vĩnh Long.
Bước vào gian bếp nhỏ của bà Phạm Thị Hằng, ở ấp Thạnh Phước 2, xã
Trung Thạnh, đã nghe mùi cơm nếp vừa chín tới, lan tỏa thơm lựng. Trong khi bà
Hằng chăm chút, cẩn thận ủ kín những viên cơm rượu trắng phau, đều đặn, bằng lá
chuối hột xanh mướt, thì chồng bà cẩn thận gia giảm lửa trong lò, xoay trở nồi
nếp để hạt bung xốp, nở đều, không bị sượng, khét. Theo bà Hằng, đây là các yếu
tố quyết định ổ cơm rượu có hương vị ngọt thanh, hấp dẫn, mang đặc trưng riêng
so với cơm rượu các nơi khác. Năm nay, bà Hằng đã 65 tuổi, có 14 năm làm cơm
rượu và thường xuyên đi bán ở tỉnh Vĩnh Long. Mỗi chuyến, bà Hằng bán liên tục
3 ngày, rồi trở về nhà làm cơm rượu; 3 ngày sau đi bán tiếp…, cứ thế xoay vòng
quanh năm, suốt tháng. Trừ các khoản chi phí (tiền xe, ăn uống, thuê nhà trọ…),
mỗi chuyến, bà kiếm được khoảng 400.000 đồng. Bà Hằng cho biết: "Ở đây, bà
con sống nhờ nghề truyền thống này. Dù thời gian xoay chuyển, nhiều người bôn
ba làm đủ nghề kiếm sống, cũng phải cố gắng duy trì nghề. Có thời gian, tôi làm
nghề buôn bán trên ghe, nhưng rồi cũng quay lại với nghề này. Hằng ngày, chồng
tôi làm nghề bốc vác gạo cho nhà máy trong xã, lúc rảnh rỗi, cũng phụ tiếp tôi
làm cơm rượu".
Gặp chị Lan Chi, vừa trở về nhà sau chuyến đi bán cơm rượu ở chợ Ô Môn,
gương mặt còn nguyên vẻ mệt mỏi. Chị Chi cho biết: "Tôi theo nghề làm cơm
rượu, giờ cũng được gần 20 năm, sau đó, dự định tiếp tục truyền lại cho con
gái. Trước đây, con gái ở nhà phụ làm cơm rượu, để tôi đi bán. Bây giờ, con gái
lập gia đình, không còn phụ giúp nên tôi phải vừa làm, vừa đi bán. Tôi không
thể bỏ nghề truyền thống, vì lâu nay tôi sống nhờ thu nhập từ nghề này".
Theo chị Lư Thị Mỹ Hiệp, Tổ trưởng Tổ hợp tác cơm rượu ấp Thạnh Phước
2, "công thức" chung để làm 1 ổ cơm rượu như sau: lựa nếp, ngâm, xôi
(lần 1), rút nước, xôi (lần 2), vo viên, rưới men, quấn, ủ bằng lá chuối hột,
để yên 3 ngày mới bán được. Tuy nhiên, trên thực tế, để có ổ cơm rượu thơm
ngon, ngọt nồng hương vị lên men tự nhiên, không phải chỉ theo công thức chung,
mà rất bài bản, công phu trong từng công đoạn. Hầu hết phụ nữ Trung Thạnh thâm
niên với nghề đều có "bí quyết" để làm ổ cơm rượu thơm ngon đặc trưng
"không lẫn vào đâu được". Chị Lan Chi nói: "Mặc dù làm theo
"công thức" chung, thậm chí nguyên liệu và trình tự cũng tương tự
nhau, nhưng cơm rượu của mỗi người đều có một hương vị riêng. Chẳng hạn, cơm
rượu tôi làm, hương vị không thể giống cơm rượu của chị này hay chị khác trong
tổ và ngược lại, chẳng ai "truyền" được cho ai". Cũng theo chị
Lan Chi, để làm nên chén cơm rượu mang hương vị ngọt thanh, thơm nồng, các chị
phải chăm chút từ khâu chọn nguyên liệu, nấu xôi, ủ cơm rượu. Chỉ tính riêng
khoản lá chuối hột để đậy và quấn cơm rượu cũng phải chuẩn bị và lau rửa sạch
sẽ đến từng kẽ lá. Nhà chị Lan Chi trồng vườn cây chuối hột khoảng đất bên hông
nhà, "ưu tiên" lấy lá làm cơm rượu… Nghề làm cơm rượu dù không giúp
bà con giàu có, khấm khá, nhưng cũng đủ trang trải cuộc sống, xây nhà và có thể
chăm lo cho các con học hành, dựng vợ gả chồng.
Chị Mỹ Hiệp nói: "36 thành viên của tổ có thâm niên và kinh nghiệm
làm cơm rượu. Nhiều năm qua, chị em vay 2 triệu đồng/năm/chị, từ nguồn vốn
Consortium (theo hình thức trả dần hằng tháng) để có thể chủ động mua nguyên
liệu làm cơm rượu". Do kinh tế khó khăn, hầu hết chị em đều thiếu vốn mua
nguyên vật liệu, nên khi được vay vốn, các chị rất phấn khởi, an tâm sống với
nghề. Tuy nhiên, nguồn vốn vay hiện nay còn hạn chế, gây khó khăn trong việc
xoay đồng vốn hay mua nguyên vật liệu dự trữ. Các chị đề xuất, nếu như được các
cấp, các ngành chức năng xem xét tăng vốn vay (khoảng 5 triệu đồng/người), chị
em sẽ có điều kiện xoay đồng vốn, phát triển ngành nghề, nâng cao thu nhập.
Chị Lê Thị Loan, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Trung
Thạnh, cho biết: Xã thành lập 2 tổ hợp tác cơm rượu ở ấp Thạnh Phước và Thạnh
Phước 2, với khoảng 70 thành viên và còn huy động người thân trong gia đình phụ
tiếp. Mỗi ngày, trừ chi phí, mỗi chị thu nhập bình quân từ 40.000 - 50.000
đồng. Tham gia tổ hợp tác, các chị còn tích cực gởi tiết kiệm, hằng tháng xoay
vòng cho các chị có nhu cầu mượn vốn, phát triển kinh tế gia đình. Thông qua
các buổi sinh hoạt tổ hợp tác, các cấp Hội Phụ nữ lồng ghép tuyên truyền, phổ
biến các chương trình hoạt động của Hội, phong trào do địa phương phát động…
thu hút chị em tham gia. Qua đó, giúp các chị có thêm kiến thức mới, tiến bộ,
nâng cao vị trí trong gia đình và xã hội.
Bên cạnh việc đề xuất nâng mức tiền vay, Các thành viên tổ hợp tác cơm
rượu xã Trung Thạnh đề nghị các ngành chức năng hỗ trợ đầu tư phát triển nghề
làm cơm rượu theo hướng kỹ thuật cao trong thực hiện các công đoạn, thông qua
hệ thống máy móc như: cắt viên, đóng hộp, bao bì sản phẩm cũng như tạo điều
kiện về truyền thông quảng bá, giới thiệu sản phẩm cơm rượu đến các địa phương
gần, xa… Có như thế, mới có thể khuyến khích con cháu theo đuổi và giữ gìn
nghề, để không bị mai một cũng như góp phần đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng
xã nông thôn mới.
Anh Phương
Theo Báo Cần Thơ