Tin tức

Giới thiệu một số CN&TB tiêu biểu tham gia chào bán tại Techmart Công nghệ Cần Thơ 2014

Techmart Cần Thơ 2014 được tổ chức nhằm giới thiệu các công nghệ và thiết bị thuộc lĩnh vực bảo quản, chế biến, đóng gói nông– thủy sản sau thu hoạch, công nghệ đến các cá nhân và doanh nghiệp hoạt động tại TP.HCM và các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Giới thiệu một số CN&TB tiêu biểu tham gia chào bán tại Techmart Công nghệ Cần Thơ 2014

 

Techmart Cần Thơ 2014 được tổ chức nhằm giới thiệu các công nghệ và thiết bị thuộc lĩnh vực bảo quản, chế biến, đóng gói nông– thủy sản sau thu hoạch, công nghệ đến các cá nhân và doanh nghiệp hoạt động tại TP.HCM và các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Sự kiện thu hút được sự quan tâm của các Viện nghiên cứu, trường đại học, sở KH&CN và Trung tâm nghiên cứu ứng dụng, doanh nghiệp nghiên cứu công nghệ, chế tạo máy móc thiết bị thuộc lĩnh vực nông nghiệp ở TP.HCM, các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Để góp phần hỗ trợ gắn kết giữa các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp trong hoạt động đổi mới, chuyển giao công nghệ, giúp doanh nghiệp tiếp cận với công nghệ tiên tiến, phù hợp với nhu cầu sản xuất nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập, Techmart Cần Thơ 2014 giới thiệu  một số công nghệ và thiết bị tiêu biểu như:

1.             Màng bao gói khí quyển biến đổi bảo quản hoa quả tươi:

Màng bao gói khí quyển biến đổi (MAP) của TS Đinh Gia Thành (Viện Hóa học – Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) giúp bảo quản hoa quả tươi sau thu hoạch từ bốn đến tám tuần mà không làm thay đổi đáng kể chỉ tiêu chất lượng, cảm quan, đồng thời không ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.

Công nghệ chế tạo màng bao gói khí quyển biến đổi (MAP) của TS Đinh Gia Thành là một trong những thành quả của đề tài “Nghiên cứu chế tạo vật liệu sử dụng trong lĩnh vực bảo quản quả (vải, nhãn mận)” thuộc chương trình Khoa học công nghệ cấp nhà nước KC02.20/06-10 do chính ông làm chủ nhiệm đề tài.

Màng MAP được biến đổi từ nhựa polyetylen tỷ trọng thấp (LDPE) kết hợp với một số chất phụ gia vô cơ như silica, zeolit, bentonit. 

Kết quả nghiên cứu bảo quản thử nghiệm với ba loại quả (vải, nhãn, mận) ở nhiệt độ từ 2 đến 4 độ C cho thấy, có thể bảo quản từ bốn đến tám tuần lễ mà không làm thay đổi đáng kể chỉ tiêu chất lượng, cảm quan. Màng MAP cũng được ghi nhận không ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.

2.             Công nghệ bảo quản quả trên cây bằng chế phẩm retain:

Retain giúp hạn chế sự sinh ethylene (Ethylene là một loại chất được tạo ra từ nhiều loại cây, thúc đẩy quá trình mau chín và quá trình già hóa cây trồng, hoa cắt cành, trái cây và rau quả).

Thành phần hoạt động của retain là một chất có nguồn gốc tự nhiên – AVG (aminoetheoxyvinylglycine hydrochoride) - được tạo ra từ quá trình lên men. Chất này có khả năng làm giảm sự sinh ethylene bằng cách ngăn cản sự hình thành enzyme ACC (ACC synthase) từ quá trình sinh tổng hợp (Kathy Kelley Anderson, Joe Grant, Janine Hasey, and Wilbur Reil).

Retain giúp kéo dài mùa thu hoạch (đối với táo kéo dài mùa thu hoạch trên 2 tuần) và thu hái trái được nhiều hơn, có tác dụng làm trái cứng, thịt quả mọng nước, mùi vị tự nhiên, cải thiện màu sắc vỏ quả, chống nứt quả, ngăn rụng quả, không gây hại cho côn trùng có ích, không ảnh hưởng đến tiêu chuẩn của các chương trình IPM và IFP (www.valentbioscience.com). Retain còn làm tăng hiệu quả chống hư hỏng (Renae E. Moran).

3.             Công nghệ tạo màng cho rau quả

Đề tài “Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tạo màng bề mặt dùng cho bảo quản rau quả: các mô hình quả có múi” của tác giả Nguyễn Duy Lâm và Phạm Cao Thăng – Viện cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch.

Nguyên liệu để sản xuất chế phẩm tạo màng gồm: Sáp ong, nhựa cánh kiến, axit béo, dung dịch amoniac… Một lít chế phẩm có thể bảo quản được 0,5-1 tấn quả. Ưu điểm nổi bật của công nghệ này là không đắt tiền, dễ sử dụng do kỹ thuật áp dụng đơn giản, không yêu cầu nhân lực trình độ cao, thân thiện với môi trường, an toàn cho người sử dụng…

Nhờ việc áp dụng màng bảo quản (sản phẩm của đề tài) sẽ góp tạo chuyển biến trong lĩnh vực sơ chế, bảo quản rau quả tươi, giảm tổn thất, tăng thời gian bảo quản phục vụ lưu thông trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Đối với mô hình bảo quản bưởi Năm Roi sau khi được bảo quản bưởi có bề mặt xanh và bóng hơn so với quả không phủ màng mà vẫn giữ được mầu xanh tự nhiên của quả. Trong khi đó quả không phủ màng bị héo đi nhiều, da nhăn nheo và ngả sang màu vàng. Đặc biệt sau 3 tháng bảo quản với quy mô 2 tấn, tỷ lệ thối hỏng và hao hụt tự nhiên là 7,5% trong khi đó tỷ lệ không phủ màng là 37,8 %.

4.             Công nghệ sản xuất tương ớt

Ớt (Capsium annuum) là một loại rau phổ biến và được ưa thích trên khắp thế giới nhờ màu sắc, hương, vị, và giá trị dinh dưỡng. Ớt cay  là một thành phần không thể thiếu trong mỗi bữa ăn, đặc biệt là ở Lào. Nó được ăn tươi hoặc được sử dụng như một gia vị của nhiều món ăn tươi hoặc chín khác nhau để đáp ứng nhu cầu về vị cay nóng.

Thành phần hóa học: Trong ớt có chứa một số hợp chất sau: Capscicain chiếm tỷ lệ khoảng 0.05 – 2.00%. Cấu trúc hóa học đã được xác định là axit isodexenic vanilylamit, có đặc điểm bốc hơi ở nhiệt độ cao, gây hắt hơi mạnh. Ngoài ra, trong ớt còn có Capsaicin, là chất gây đỏ, nóng chỉ xuất hiện ở quả ớt chín, chiếm tỷ lệ từ 0.01 – 0.1%.

Một số nghiên cứu cho thấy, những loại ớt vỏ xanh, trái nhỏ có hàm lượng Capsaicin nhiều hơn. Người ta tìm ra vị cay nồng của nó là do capsaicin và các hợp chất capscicinoid khác, nhưng thực tế nó rất giàu vitamin C và tiền vitamin A, nguồn lớn của hầu hết các vitamin nhóm B, đặc biệt là vitamin B6, và hàm lượng kali, magiê, sắt lớn.

Thuyết minh quy trình:

- Chuẩn bị nguyên liệu: Loại bỏ quả thối, cắt bỏ cuống, và những thành phần hỏng, vết đen, khuyết tật. Cà chua to quả nên bổ nhỏ để dễ nghiền.

- Luộc hấp: Nếu không có máy nghiền, cần luộc hoặc hấp ớt, cà chua để quả mềm dễ tách vỏ và hạt. Nếu có máy nghiền thì không cần làm chín nguyên liệu

- Xay chà tách vỏ hạt: Cà chua, ớt được xay nhuyễn, chà qua rá tre, hoặc rây có kích thước lỗ nhỏ để thu được thịt quả nhuyễn, loại bỏ hạt, vỏ.

- Phối trộn và cô đặc: Trộn đều phần thịt quả nhuyễn của cà chua, ớt, tỏi với đường và muối sau đó gia nhiệt hỗn hợp đến nhiệt độ sôi và giữ nhiệt trong khoảng 5-10 phút. Các phụ gia khác lần lượt cho vào hỗn hợp. Trong quá trình cô đặc phải khuấy liên tục để tránh bén nồi.

Công thức phối trộn:

Ớt quả tươi: 200g; cà chua: 600g; tỏi củ: 100g; đường kính: 120g; muối ăn: 30g; mì chính: 15g; bột sắn: 0g; axit axetic đậm đặc: 5ml (hoặc axit citric: 5g); benzoat natri: 1g.

Rót chai: Khi hỗn hợp đạt được độ đặc mong muốn, nhanh chóng rót sản phẩm vào những dụng cụ chứa đựng sạch đã được thanh trùng trước, đậy nắp kín ngay khi sản phẩm còn nóng.

5.             Hệ thống trích ly Đậu Nành

Tetra Alwin Soy là hệ thống trích ly đậu nành giúp tách chiết liên tục dịch cốt đậu từ đậu nành nguyên vỏ hoặc đã tách vỏ.

Đây là hệ thống linh hoạt có thể sản xuất cả sữa đậu nành nguyên hương cho thị trường truyền thống hoặc sữa đậu nành ít hương đậu. Danh mục sản phẩm tham khảo:

·            Sữa đậu nành ít mùi đậu

·            Sữa đậu nành/sữa

·            Sữa chua uống đậu nành

·            Nước giải khát đậu nành

·            Sữa đậu nành nguyên hương

·            Các sản phẩm uống liền làm từ ngũ cốc

Tetra Alwin Soy không có quá trình xử lý ngâm hoặc trần, giúp giảm lượng nước tiêu thụ, từ đó giảm tác động tới môi trường.

Quy trình trích ly: Nghiền  > Tách bã  > Vô hoạt enzyme

Những bộ phận này được tích hợp vào hệ thống trích ly hoàn chỉnh để sản xuất dịch cốt đậu nành có hàm lượng đạm và giá trị dinh dưỡng cao. Sau khi trích ly, dịch cốt đậu nành được pha chế theo công thức, tiệt trùng UHT và chiết rót vào bao bì giấy trong môi trường vô trùng.

6.             Hệ thống sấy chân không đông lạnh FD (sấy thăng hoa)

 

Ưu điểm của sấy chân không đông lạnh: Sản phẩm được tách nước và làm khô ở nhiệt độ thấp, khoảng từ  -450C đến 400C. Ở nhiệt độ này thì sản phẩm sau khi sấy có lượng dinh dưỡng gần như được giữ nguyên không thay đổi, hoặc…

Ưu điểm của sấy chân không đông lạnh: Sản phẩm được tách nước và làm khô ở nhiệt độ thấp, khoảng từ -450C đến 400C. Ở nhiệt độ này thì sản phẩm sau khi sấy có lượng dinh dưỡng gần như được giữ nguyên không thay đổi, hoặc nếu có thì cũng có thể coi là không đáng kể. Mặt khác, mùi vị của sản phẩm cũng được giữ nguyên như khi còn tươi sống. Và đây chính là sản phẩm định hướng của tương lai.

 Công nghệ sấy chân không đông lạnh được ứng dụng rộng rãi trong các ngành chế biến thực phẩm như: Sấy rau củ quả, tôm, cá ...

7.              Thiết bị chiết rót linh hoạt

Máy rót Tetra Top TT/3 XH phù hợp chiết rót nhiều loại sản phẩm thanh trùng đóng trong bao bì giấy Tetra Top: sữa, sữa có bổ sung hương, sữa lên men, nước trái cây, nước giải khát, nước giải khát thể thao, cà phê, trà, sữa chua uống, sữa chua đặc, tráng miệng từ sữa, thức ăn nhanh...

Công suất 9.000 hộp/giờ từ 2 dây chuyền, sản xuất cùng lúc nhiều kích thước bao bì và nắp khác nhau: Carton Bottle, Carton Shot, Carton Pitcher, Carton Cup, Carton Can.

Dung tích: 100, 150, 200, 250, 330, 400, 500, 568, 750, 1.000ml.

8.             Giải pháp nâng cao giá trị lúa gạo cho ĐBSCL

Đồng bằng sông Cửu Long được xem là vựa lúa lớn nhất của cả nước với tổng sản lượng hàng năm đạt xấp xỉ 25 triệu tấn, chiếm khoảng 55% tổng sản lượng lúa của cả nước. Xuất khẩu gạo trung bình hằng năm của cả nước từ 7 đến 8 triệu tấn, trong đó ĐBSCL đóng góp đến 90-95%. Sản xuất lúa của ĐBSCL trong những năm gần đây có những bước phát triển đáng khích lệ, đóng góp quan trọng cho an ninh lương thực quốc gia và cho ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Mặc dù vậy, tổn thất sau thu hoạch còn cao, chuỗi giá trị lúa gạo còn nhiều điểm chưa hợp lý và thiếu tính ổn định.

Để giải quyết vấn đề trên, Phân Viện Cơ điện Nông nghiệp & Công nghệ Sau Thu hoạch (SIAEP) đưa ra các giải pháp sau thu hoạch góp phần phát triển chuỗi cung ứng lúa gạo ĐBSCL.

Chuỗi cung ứng lúa gạo bao gồm một quy trình công nghệ hợp lý theo thứ tự các công đoạn như sau: tạo giống, canh tác (gieo trồng và chăm sóc), thu hoạch, làm khô, bảo quản, xay xát-chế biến và tiêu thụ. Trong chuỗi của các công đoạn này, chất lượng của sản phẩm tại đầu ra của mỗi công đoạn không chỉ phụ thuộc vào chất lượng công nghệ của chính công đoạn đó, mà còn phụ thuộc vào chất lượng công nghệ của tất cả các công đoạn đã được tiến hành trước đó. Ví dụ, mặc dù được bảo quản với công nghệ tiên tiến, hạt lúa không thể có được chất lượng tốt, độ thu hồi gạo trắng và tỉ lệ gạo nguyên trong xay xát sẽ không thể cao nếu trước đó hạt lúa không được sấy đảm bảo chất lượng (như nhiệt độ sấy hay tốc độ sấy quá cao gây rạn nứt ngầm), hoặc độ ẩm hạt còn cao hơn 13-14% mà lại đưa vào bảo quản. Ngược lại, một công nghệ lạc hậu, không đạt yêu cầu của bất kỳ công đoạn nào trong chuỗi cũng có thể gây tổn hại, thậm chí làm hủy hoại hoàn toàn những thành quả có được của những công đoạn đã được tiến hành trước đó. Tóm lại, để giảm tổn thất sau thu hoạch lúa gạo ở ĐBSCL, sấy và bảo quản lúa là hai công đoạn then chốt cần đặc biệt quan tâm để cải tiến và phát triển trong quá trình sản xuất lúa gạo.

Máy sấy tĩnh vỉ ngang đảo chiều gió, năng suất 30-50 tấn/mẻ

Kho chứa sá cho gạo

9. Công nghệ màng để cô đặc nước dứa

Đây là đề tài đầu tiên ứng dụng công nghệ màng trong sản xuất nước trái cây tại Việt Nam. Do quá trình cô đặc bằng nhiệt ảnh hưởng nhiều tới các đặc điểm của nước quả, quá trình cô đặc bằng membrane (cô đặc bằng màng) là một phương pháp thay thế hiệu quả do không sử dụng nhiệt. Phương pháp cô đặc bằng màng có những ưu điểm sau:

- Giữ nguyên hương vị của sản phẩm

- Các thành phần trong nước trái cây không bị biến tính do nhiệt độ cao.

- Loại bỏ được một số thành phần không mong muốn (tannin, polyphenol oxidase)

- Tổng hoạt tính chống oxy hóa (TAA) của nước trái cây được cô đặc bằng phương pháp màng cao hơn so với nước trái cây được cô đặc bằng phương pháp nhiệt.

- Là một phương pháp tiên tiến, có tiềm năng ở quy mô công nghiệp.

Nếu công nghệ cô đặc bằng màng được triển khai ở quy mô công nghiệp, sẽ tạo được sản phẩm có khả năng cạnh tranh về chất lượng và giá cả với các sản phẩm nhập ngoại hiện nay, giúp tăng cường xu hướng sử dụng sản phẩm trong nước, đồng thời cũng sẽ mở ra những hướng mới để áp dụng rộng rãi hơn công nghệ màng – một công nghệ tiên tiến và có nhiều ưu điểm – trong ngành sản xuất nước trái cây.

10. Công nghệ sản xuất mứt dẻo vỏ bưởi

Công nghệ giúp tận dụng nguồn phế liệu vỏ bưởi để sản xuất mứt dẻo vỏ bưởi. Vỏ bưởi sau khi thu về được rửa sạch, cắt định hình, loại bớt tinh dầu và xử lý hết chất đắng. Vỏ bưởi sau xử lý tinh dầu, chất đắng được sên với dung dịch đường trong điều kiện chân không để đảm bảo sản phẩm có màu sắc và hương vị đặc trưng. Sản phẩm có vị the nhẹ và vẫn giữ được hương thơm đặc trưng.

 

11. Nhà sấy bằng năng lượng mặt trời

Nhà Sấy có thể đạt đến nhiệt độ 60 độ C khi nhiệt độ môi trường là 37 độ C. Nhà Sấy dùng tấm Polycarbonate – sản xuất bởi Bayer Material Science để thu và giữ nhiệt từ ánh nắng mặt trời và sấy khô các loại củ, quả, hạt (khoai, chuối, xoài, nhãn, vãi, cà chua, ớt, me, và các loại hạt phù hợp với công nghệ).

12. Thiết bị sấy phun

Đây là thiết bị do Viện công nghệ hóa học nghiên cứu và chế tạo. Thiết bị này được sử dụng trong chế biến thực phẩm, dược phẩm... Thiết bị dùng để sấy các dạng dung dịch và huyền phù trong trạng thái phân tán. Sản phẩm của quá trình sấy phun là dạng bột mịn như bột đậu nành, bột trứng, bột sữa… hoặc các chế phẩm sinh học, dược liệu…

 

13. Thiết bị sấy tiết kiệm năng lượng

Thiết bị sấy tiết kiệm năng lượng ECD (economic dryer) ứng dụng công nghệ bơm nhiệt được sử dụng sấy các sản phẩm trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và dược phẩm, đặc biệt là các sản phẩm không bền nhiệt, dễ bị biến tính khi sấy bằng thiết bị sấy đối lưu thông thường như:

-  Các loại nấm (nấm linh chi, nấm rơm, nấm bào ngư…)

- Thủy hải sản (cá, mực, tôm…)

- Rau củ quả (gấc, chuối, rau cải, hành …)

- Các chế phẩm sinh học, dược phẩm…

Với chương trình điều khiển tự động, quá trình điều khiển và khống chế nhiệt độ cũng như thời gian theo từng giai đoạn làm tăng hiệu quả của quá trình sấy và cho phép vận hành thiết bị đơn giản.

Khi sử dụng hiệu ứng tách ẩm - bơm nhiệt, một phần nước trong không khí được tách ra trước khi đưa vào buồng sấy nên động lực của quá trình sấy tăng lên đáng kể dẫn đến rút ngắn thời gian sấy mặc dù nhiệt độ của tác nhân thấp. Từ đó, giảm chi phí vận hành và đảm bảo chất lượng sản phẩm.

14. Kho trữ lạnh

Kho trữ lạnh sử dụng tấm cách nhiệt chuyên dụng (theo sáng chế độc quyền của Bayer Material Science) giúp tiết kiệm điện năng tối đa nhờ hộp coolbolt giảm nhiệt độ từ 160C còn 40C. Kho được thiết kế phù hợp cho việc bảo quản thủy hải sản, nông sản, thực phẩm tươi sống (nhiệt độ bảo quản từ +15 đến -30 độ C).

 

 

15. Ứng dụng tinh chất cây chùm ngây và công nghệ nano trong sản xuất mỹ phẩm

Nguyên liệu từ cây chùm ngây được chọn làm thành phần chính cho các sản phẩm làm đẹp của công ty Mori A Phương Vy nhằm bắt kịp xu hướng của mỹ phẩm hiện đại là sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên và thân thiện. Từ nguồn nguyên liệu chính này, công ty Mori A Phương Vy đã ứng dụng công nghệ nano nhằm làm tăng hiệu quả của sản phẩm bằng cách tăng khả năng hấp thu các hoạt chất sinh học và phát huy tối đa khi tiếp xúc với tế bào. Thành phần hạt nano trong sản phẩm chăm sóc da của mỹ phẩm là các hạt nanotitandioxit (nanoTiO2) và nano vàng (nanoAu). Nano TiO2 với vai trò chắn tia UV (tia tử ngoại) gây đen sạm da và tạo cảm giác nhìn thấy da trắng lên nhờ tăng phản quang với ánh sáng trắng trong tự nhiên.

Bên cạnh việc giới thiệu các công nghệ và thiết bị, đ phục vụ cho các cá nhân và doanh nghiệp có nhu cầu tư vấn, kết nối và chuyển giao các kết quả nghiên cứu, các công nghệ và thiết bị trong lĩnh vực: bảo quản, chế biến, đóng gói và các lĩnh vực có liên quan, Techmart Công nghệ sau thu hoạch 2014 phối hợp với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm sẵn sàng tư vấn cho các cá nhân và đơn vị có yêu cầu.

Những công nghệ và thiết bị này sẽ được giới thiệu tại Techmart Cần Thơ 2014. Techmart Cần Thơ 2014 tập trung giới thiệu, trưng bày các công nghệ và thiết bị mới phục vụ trong lĩnh vực chế biến, đóng gói và bảo quản nông – thủy sản sau thu hoạch cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Sự kiện sẽ diễn ra từ ngày 15 - 16/10/2014 tại Trung tâm hội chợ Triển lãm Quốc tế Cần Thơ, địa chỉ 108A Lê Lợi, P.Cái Khế, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ.

Tin tiếp theo

Sàn giao dịch Công nghệ Cần Thơ - CATEX.VN

Cơ quan quản lý: Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ Cần Thơ
Quyết định thành lập số 61/QĐ-CT.UB ngày 21 tháng 6 năm 2002, nơi cấp UBND TP. Cần Thơ
Đăng ký hoạt động KH&CN số 06/ĐK-KHCN cấp ngày 19 tháng 12 năm 2007
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú, Phường Cái Khế, Quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: 0292 3824031 - Fax: 02923812352
Email: contact@catex.vn
Website xem tốt nhất trên trình duyệt Firefox, Chrome, IE từ 9 trở lên.

www.catex.vn

Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ Cần Thơ
118/3 Trần Phú, P. Cái Khế, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: 0292 3824031 - Fax: 02923812352
Email: contact@catex.vn