Tối 31/3, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam
phối hợp với Bộ KHCN, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh
tổ chức Lễ trao giải thưởng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 12
(2012-2013).
Hội thi lần này đã thu hút được hàng nghìn giải pháp tham
gia từ các hội thi cấp cơ sở, cấp tỉnh, thành phố và đã chọn 552 giải pháp xuất
sắc nhất gửi Ban Tổ chức Hội thi toàn quốc xét trao giải.
Ban Tổ chức đã quyết định trao giải thưởng cho 88 giải pháp,
gồm: 5 giải Nhất; 11 giải Nhì; 24 giải Ba; 48 giải Khuyến khích thuộc 6 lĩnh
vực, trong đó có các lĩnh vực về công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; cơ
khí tự động hóa, xây dựng, giao thông vận tải; vật liệu, hóa chất, năng lượng;
nông, lâm, ngư nghiệp, tài nguyên môi trường; y, dược; giáo dục, đào tạo...
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 14 cá
nhân là chủ nhiệm của 5 giải pháp đạt giải Nhất. Tổng Liên đoàn Lao động Việt
Nam tặng "Bằng Lao động Sáng tạo" cho các chủ nhiệm và đồng chủ nhiệm
có các công trình đạt giải Nhất, Nhì, Ba. Các tác giả trẻ được Trung ương Ðoàn
TNCS Hồ Chí Minh tặng Bằng khen và Huy hiệu "Tuổi trẻ sáng tạo".
Phát biểu chúc mừng các cá nhân đoạt giải thưởng, Chủ tịch
Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh các giải pháp công
nghệ được tuyên dương hôm nay sẽ góp phần quan trọng vào nâng cao năng lực cạnh
tranh của hàng hóa và Việt Nam trong nước cũng như trên thị trường quốc tế.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân mong muốn kết quả Hội thi sẽ góp
phần tạo nên phong trào thi đua sáng tạo của 50 triệu công dân Việt Nam ở tuổi
lao động trong cả nước.
Trong số các giải thưởng, 3 giải pháp khoa học
kỹ thuật được đánh giá xuất sắc nhất là: "Sử dụng tàu định vị động lực học
DP2 lắp đặt ống dẫn dầu trạm rót dầu không bến - FSO" của tác giả Ðỗ Văn
Phúc thuộc Xí nghiệp xây lắp, khảo sát và sửa chữa các công trình khai thác dầu
khí-Vietsovpetro, góp phần tiết kiệm cho ngân sách 4,5 triệu USD mỗi lần lắp
đặt ống dẫn dầu ở dàn khoan.
- Giải pháp ứng dụng máy cắt kính an toàn bán
tự động của kỹ sư Vũ Hoàng Sơn và cộng sự ở Hà Nội. Thiết bị góp phần giảm được
90% điện năng tiêu hao và giá thành chỉ bằng 1/20 thiết bị nhập khẩu.
- Giải pháp công nghệ sản xuất bóng đá bằng da
nhân tạo của tác giả Nguyễn Trọng Tuấn (Thanh Hóa) đã cạnh tranh rất hiệu quả
với bóng đá sản xuất bằng da bò truyền thống với giá thành thấp hơn, có chất
lượng cao hơn và sử dụng trong mọi thời tiết mà không ảnh hưởng tới thông số
của trái bóng khi thi đấu. Sản phẩm được xuất khẩu tới 22 quốc gia phát triển.
Giải tác giả nữ xuất sắc nhất được trao cho cô
giáo Mai Thị Bích Nguyệt, Trường THCS An Vũ, Quỳnh Phụ, Thái Bình, Chủ nhiệm đề
tài: "Nghiên cứu, xây dựng phần mềm từ điển tiếng Việt, đồng âm, đồng
nghĩa, trái nghĩa".
Từ Lương